Trầm cảm là một trong những hiện tượng mà nhiều người gặp phải sau những biến cố của cuộc sống. Nhưng khi đối diện với những tình huống khó khăn của cuộc sống, chúng ta có thể không nhận diện được đầy đủ và đánh giá hết mức nghiêm trọng diễn biến của những cảm xúc tiêu cực đi liền với những tình huống ấy, nên dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
1.Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một trạng thái buồn chán, cảm giác tuyệt vọng và vô giá trị cao độ.
2.Dấu hiệu nhận diện trầm cảm
Tình trạng trầm cảm được biểu hiện trên nhiều phương diện khác nhau như cảm xúc, nhận thức, hành vi và sinh lý. Ở mỗi phương diện có thể có một số hoặc có đầy đủ các dấu hiệu, song nhìn chung những dấu hiện thường có mối liên hệ mật thiết với nhau, chúng có thể xuất hiện đồng thời hoặc thay đổi về số lượng, mức độ ở từng thời điểm:
Cảm xúc:
Xuất hiện những cảm xúc âm tính như:
- Chán nản
- Buồn rầu vô hạn
- Tuyệt vọng
Nhận thức:
Người ở trong trạng thái trầm cảm:
- Có những niềm tin tiêu cực về bản thân, về thế giới và về tương lai.
- Khả năng tập trung kém
- Thiếu động lực
Hành vi:
- Thu mình, giảm và không muốn giao tiếp với những người xung quanh.
- Khả năng làm việc hoặc chăm sóc gia đình kém.
- Các vận động bị ức chế: Cử động chậm chạp, nói chậm. Hoặc vận động hưng phấn: tăng hoạt động nhưng không có mục đích cho hoạt động.
Sinh lý:
- Ăn không ngon hoặc giảm cân
- Rối loạn nhịp ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều)
- Suy giảm hoặc mất hứng thú tình dục
3.Các loại trầm cảm
Trầm cảm bao gồm 2 loại:
- Rối loạn trầm cảm chủ yếu
- Rối loạn khí sắc
Mỗi loại trầm cảm có số lượng, mức độ và tính chất của hiện khác nhau nhưng nhìn chung, rối loạn trầm cảm chủ yếu mãnh liệt hơn còn, rối loạn loạn khí sắc dai dẳng hơn.
4.Biểu hiện rối loạn trầm cảm chủ yếu
Một người có thể sẽ rơi vào tình trạng rối loạn trầm cảm chủ yếu nếu:
- Năng lực xã hội nghề nghiệp bị suy giảm đáng kể
- Có ít nhất 5 trong số các triệu chứng sau trong tối thiểu 2 tuần:
+ Khí sắc trầm (vẻ mặt buồn rầu…)
+ Ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt thường ngày (không muốn chăm sóc bản thân, thậm chí cả việc vệ sinh cá nhân…)
+ Khẩu vị thay đổi (tăng hoặc giảm)
+ Thay đổi nhịp ngủ (quá nhiều hoặc quá ít)
+ Vận động ức chế hoặc hưng phấn (giảm các hoạt động hoặc tăng các hoạt động mà không có mục đích)
+ Mệt mỏi, mất sinh lực
+ Cảm giác vô giá trị, tội lỗi
+ Không tập trung, dễ bị phân tán khi thực hiện hoạt động
+ Thường xuyên có suy nghĩ về cái chết/ tự sát
5.Một người có thể đã ở một dạng khác của trầm cảm là rối loạn khí sắc nếu:
- Có biểu hiện khí sắc trầm kéo dài, trở thành mãn tính (vẻ mặt buồn rầu diễn ra hầu như mỗi ngày, chiếm khoảng 50% thời gian hàng ngày và diễn ra ít nhất trong 2 năm. Với trẻ em và vị thành niên diễn ra ít nhất trong 1 năm).
- Và có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau đi kèm:
+ chán ăn hoặc ăn quá nhiều
+ mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
+ Thiếu năng lượng, mệt mỏi
+ tự ti
+ chú ý kém, thường gặp khó khăn khi phải ra quyết định
+ cảm giác tuyệt vọng
6.Các nguy cơ khi mắc trầm cảm
Trầm cảm không chỉ tạo nên các nguy cơ về sức khỏe và cuộc sống của mỗi cán nhân, mà còn ảnh hướng lớn đến sức khỏe cộng đồng:.
- Trầm cảm gây ra khiếm khuyết (11.9% ) còn nhiều hơn cả tình trạng thiếu máu do thiếu sắt (4.5%) và chứng viêm khớp (3.0%). Căn bệnh này được xếp hạng thứ 4 trong danh sách những bệnh gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất trên phạm vi toàn cầu và nó đang được dự tính sẽ giành thứ hạng thứ 2 vào năm 2020 chỉ sau các bệnh về tim. (Bộ Sức khỏe Mỹ, 2000)
- Chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mất việc, giảm năng suất…
- Rối loạn trầm cảm có nguy cơ tái diễn rất cao.
- Tỉ lệ tự tử, tai nạn xe hơi, giết người nhiều hơn.
- Rối loạn trầm cảm dễ khiến cho cá nhân tìm giải phải hỗ trợ bằng các chất gây nghiện như rượu và ma túy…
- Rối loạn trầm cảm thường làm cho các rối loạn khác đi kèm trầm trọng hơn.
7.Cách thức ứng phó vớtrầm cảm
- Ngay khi có cảm giác buồn phiền, lo âu về một chuyện bất kỳ trong mối quan hệ tình yêu, hôn nhân gia đình hay kinh tế, việc làm… bạn có thể tự mình giải quyết bằng cách: làm những điều mình yêu thích (xem phim, đi dạo, ăn uống, vui chơi…) để tinh thần vui vẻ trở lại, từ đó tăng cường khả năng tự giải quyết tình huống của mình.
- Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc làm cho mình phấn chấn hơn, bạn cần chia sẻ với bạn bè, người thân để có thể giải tỏa cảm xúc và cùng thảo luận về cách giải quyết khó khăn, tránh tình huống làm gia tăng những biểu hiện của trầm cảm.
- Nếu sự trợ giúp của bạn bè, người thân xung quanh là không hiệu quả, bạn cần đến chỗ chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ tháo gỡ tình huống khó khăn và giải tỏa cảm xúc hiện tại.
- Trong trường hợp các biểu hiện của trầm cảm đã tăng về số lượng và mức độ, người bị trầm cảm cần được trợ giúp bằng cách người thân, bạn bè dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc đến họ hơn để giải tỏa phần nào cảm xúc cho người bệnh. Đồng thời, phòng ngừa tình huống người trầm cảm tự sát, cũng như có khả năng cấp cứu kịp thời ngay khi họ có hành động tự sát.
- Người có dấu hiệu trầm cảm cần được đưa đến khám ở chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc và những liệu pháp tâm lý khác.
Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP)